Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Kinh nghiệm cắm trại Algonquin Provincial Park

Ở Canada đã lâu mà vẫn chưa lần nào được đi camping (cắm trại) thì quả thật là thiếu sót, bởi vì Canada là một đất nước nổi tiếng với những cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Hãy tưởng bạn đang nằm trong lều, nghe tiếng gió thổi vi vu cùng với khung cảnh lá đỏ ở xung quanh thì thật là vi diệu biết mấy.

Cắm trại vào mùa thu ở Killarney Provincial Park (hình từ internet)

Nhân dịp được mấy đứa bạn rủ đi cắm trại ké ở Algonquin Provincial Park (8/2017), mình xin tổng hợp lại những kiến thức cũng như kinh nghiệm đi cắm trại như thế nào để lần sau đi bụi cho nó đã. Nói chung là chưa đi lần nào thì nên đi ké, vì nếu không thì rất dễ ăn hành vào ban đêm hoặc ban ngày. Ví dụ, bình thường tưởng đâu có cái lều với túi ngủ (sleeping bag) là ngon rồi. Ai ngờ, tối ngủ mới biết nếu không có thêm nệm hơi (air mattress) nữa thì coi như khi đi về có khi nằm liệt giường cả tuần vì bị nhiễm lạnh.

Thời điểm đi cắm trại ở Canada 

Đối với dân chơi ưu mạo hiểm thì dường như là mùa nào họ cũng chơi cả. Đông hè, tuyết rơi gì cũng quất tất. Còn đối với dân chơi bình thường thì mùa cắm trại thường vào Victoria Day (ngày thứ hai của tuần thứ 3 trong tháng 5) cho đến Labour Day (ngày thứ hai đầu tiên của tháng 9).  Vào thời điểm này thì không có tuyết và ban đêm thường không quá lạnh. Ngoài ra có ăn chơi gì thì cũng tiện nữa.

Tìm địa điểm cắm trại như thế nào?

Thông thường thì không phải chỗ nào cho cắm trại cũng đẹp, nên các bạn nhớ tìm hiểu trước để địa điểm cắm trại sao cho đẹp và phù hợp với những hoạt động mà bạn muốn làm nhất. Ví dụ muốn đi chèo thuyền thì lựa chỗ nào cắm trại ở gần hồ. Tốt nhất là lên mạng tìm kiếm, như là những địa điểm đi cắm trại đẹp nhất ở Ontario chẳng hạn.

Các thể loại cắm trại

Lúc đầu mình cũng nghĩ là cắm trại thì quăng lều ra thôi, có gì đâu. Nhưng mà sau khi tìm hiểu thì có khá nhiều kiểu cắm trại khác nhau.

Frontcountry Camping: đây là kiểu "car camping", là loại cắm trại phổ biến nhất. Kiểu này thì các bạn được phép chạy xe thẳng tới khu vực cắm trại luôn. Các bạn thoải mái chở đồ đến chỗ dựng lều rồi thả xuống. Ngoài ra còn có một số dịch vụ thoải mái khác như nhà tắm, toilet, và một số dịch vụ khác. Muốn tìm hiểu thêm thì các bạn có thể google những từ khoá sau: serviced campsites, unserviced campsites, pull-through campsites, walk-in campsites, group campsites.

Đây chính là dạng cắm trại mà mình đi lần trước ở Algonquin Provincial Park. Tự lái xe vào, dựng liều rồi đậu xe ngay tại chỗ luôn.

Khu vực cắm trại được chia thành từng khu nằm kế bên nhau 

Backcountry Camping: dạng này thì hoang dã hơn, chỉ có mình ta với thiên nhiên. Để đến được chỗ cắm trại thì các bạn thường phải đi bộ, leo núi, chèo thuyền, băng rừng lội suối...thì mới đến nơi được. Điểm tuyệt vời của loại này là chỉ có mình ta trần trụi với thiên nhiên, không có ai làm phiền bạn trừ...mấy con gấu cả.

Muốn dến được chỗ cắm trại thì phải chèo thuyền ra (Alqonquin Park)
(ảnh từ internet)

Phương tiện đi lại

Tiện nhất là có xe thì vác xe đi cho nó tiện. Nếu có bằng lái mà không có xe thì có thể sử dụng dịch vụ cho thuê xe như Zipcar. Còn không nữa thì xài Parkbus. Ví dụ đi từ Toronto đến Algonquin vé khứ hồi hết khoảng $88/ người lớn. Đi từ thứ 6, đến chủ nhật thì quay về.

Thử đặt vé từ trang Parkbus này (Toronto <-> Algonquin)

Những vật dụng cần thiết khi cắm trại

Hiện tại với số lượng sản phẩm đa dạng dành cho cắm trại thì các bạn rất dễ bị hoa mắt và chóng mặt khi lựa chọn cho mình những vật dụng cần thiết trước khi đi, nên các bạn chú ý là những vật dụng mang đi tuỳ thuộc vào loại hình mà các bạn đi cắm trại. Đi backcountry thì mang theo những vật dụng nhỏ, nhẹ và chất lượng cao. Còn frontcountry thì có thể mang nhiều đồ hơn, đồ nặng tí cũng không sao (có xe chở tới nơi mà ).

Sau đây mình sẽ liệt kê một số thiết bị mà các bạn có thể cân nhắc mua hoặc mướn để đi cắm trại. Nếu mua thì có thể ra Canadian Tire, Kijiji (mua hàng second hand) hoặc mua online trên Amazon hoặc Ebay.

  • Túi ngủ dạng trùm đầu (mummy bags) đây là dạng ấm nhất vì giảm thời gian cần để sưởi ấm cơ thể, vừa có mủ trùm đầu nên mình thích nhất loại này. Còn thứ hai là dạng hình chữ nhật (rectagular bags), thích hợp cho các bạn nào thích lăn qua lăn lại, cũng có thể dùng làm ga trải giường.
  • Nếu xe chạy được vào khu cắm trại thì các bạn nên chuẩn bị thêm nệm ga (airbed). Tin mình đi, tối nằm túi ngủ (dỏm) thôi nó không đủ, về bệnh cả tuần ý. Còn không thì cân nhắc loại thảm lót ngủ (sleeping pad như loại của Klymit hoặc AmazonBasics) nhỏ gọn hơn rất nhiều, lại dễ mang đi nữa. 
  • Gối thì mình thường lấy bao của túi ngủ, sau đó bỏ quần áo vào làm gối - khỏi tốn tiền mua cho mệt 
  • Thường thì chỗ cắm trại có chuẩn bị sẵn chỗ để mình đốt lửa nên các bạn chỉ cần mang theo vỉ nướng là được - cái này cần phải hỏi trước Nếu không thì có thể tự mang theo bếp nấu dạng lớn (two-burner stoves) hoặc dạng nhỏ xíu (single burner stoves) tuỳ theo dạng cắm trại.
Có anh bán cơm sườn mới từ Việt Nam mới sang trổ tài nướng thịt
  • Ngoài ra còn nhiều thứ như tấm bạt nhựa để che mưa (tarpaulin) - không có nó mà trời mưa là ăn hành đó nha, dao đa năng (Swiss Army Pocket Knife), đèn pin (flash light), củi (fire logs) và than nấu (mua ở Canadian Tire hoặc chỗ cắm trại cũng có cung cấp), kem chống nắng, chống muỗi, first-aid kit, dép lào + hiking shoes, cooler (đựng đá + bảo quản đồ ăn), ô dù...
  • Và cái mà không thể thiếu được chính là camera hay điện thoại chụp hình tự sướng (có kèm sạc dự phòng nhé)

Trời mưa, cả đám ăn hành mà ăn chung nên cũng vui

Nếu bạn không có những vật dụng như lều trại thì có thể cân nhắc đi cắm trại ở những nơi mà người ta đã dựng sẵn (roofed and alternative accommodations).

Làm gì khi đi cắm trại  

Tuỳ chỗ cắm trại mà các bạn có thể tham gia những hoạt động khác nhau tuỳ theo sở thích. Tốt nhất là tìm hiểu trước xem chỗ mình sắp đi có những cái gì để có thể chuẩn bị trước. Sau đây mình sẽ liệt kê những trò tiêu khiển mà nhóm mình đã thực hiện khi đến Algonquin Provincial Park.

  • Đi hiking, nhớ bôi kem chống nắng - chống muỗi 
Trên đường đi hiking ở lookout, gặp được em moose gặm có bên đường
  • Nấu ăn và ăn cũng là một môn nghệ thuật (hai là hai môn nhỉ)
Ăn không còn gì để mang về
  • Ngắm sao trên trời (hôm đó làm biếng đi ngủ nên mình không theo cùng)
  • Ngắm cảnh dưới đất
Chạy ngang lake of two rivers, ghé vào chụp vài phát
  • Tìm nấm và hái hoa quả dại (cần kỹ năng nha, ăn bậy đau bụng ráng chịu)
Hái blueberry thả ga
Chèo gần bờ mới thấy được sen vàng - sen trắng 
Climacodon septentrionalis (northern tooth fungus)
  • Chèo thuyền (canoe) - đây là hoạt động mà mình thích nhất. Muốn chèo thì phải ra xếp hàng lấy thuyền sớm, khoảng 7-8h vì nó theo kiểu ai đến trước thì lấy trước. Vừa đi dạo, vừa tập thể dục vừa ngắm cảnh (tuyệt đẹp), nếu có chỗ nào có thể dừng được thì đậu thuyền vào, sau đó nhảy xuống bơi... Ngoài ra thì các bạn có thể ngắm mặt trời lặn ở hồ Canisbay trong chèo. Nói chung là tuyệt vời.
Canoeing ở Canisbay Lake 
Đến giữa hồ thì xung quanh toàn như thế này đây
  • Ngoài ra còn có một số hoạt động thú vị khác là đạp xe đạp (được thuê), câu cá (mượn cần miễn phí - nhớ mua license trước)

Tóm lại là cảm ơn mọi người đã tổ chức buổi cắm trại này, lần sau nhất định sẽ đi cắm trại ở nhiều chỗ khác để lấy thêm kinh nghiệm. Đặc biệt là vào mùa thu lá đổi màu và thử dạng backcountry camping để chơi với gấu.

Nếu có bổ sung hoặc có câu hỏi nào thì các bạn có thể post ở phía dưới, mình sẽ tìm cách bổ sung thêm để cho bài viết được hoàn thiện nhé ;)

Nguồn tham khảo:

https://transcanadahighway.com/General/CampingInCanada.htm
https://www.pc.gc.ca/en/serapprocher-connect/ltc-dlc



 
;